Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Bí Quyết Thành Công


Sáu Bí Quyết Để Mở Đầu Bài Thuyết Trình Ấn Tượng !


“Vạn sự khởi đầu nan”, “Đầu xuôi đuôi mới lọt”, “Mở bài thành công là thắng lợi một nửa”… là kinh nghiệm của những người thuyết trình chuyên nghiệp. Theo các kết quả nghiên cứu người ta thấy rằng, để thu hút và gây ấn tượng với người nghe, bạn chỉ có 4 phút để có một phần mở đầu cho một bài thuyết trình hoàn hảo. Người nghe có tiếp tục ủng hộ bạn hay không chính là phụ thuộc vào 4 phút đầu tiên đó của bạn.

Vậy làm thế nào để có một mở đầu bài thuyết trình đi vào tâm trí người nghe? Làm thế nào để có thể lôi cuối thính giả tham gia vào bài thuyết trình của bạn? Sau đây là 6 bí quyết sẽ giúp bạn một phần thực hiện mong muốn đó.

·          Mở bài bằng một tình huống gây sốc.

Tôi đã từng tham dự một buổi thuyết trình giới thiệu sản phẩm của một công ty điện thoại. Khi khách hàng vừa ổn định chỗ ngồi, bất ngờ một nhân viên của công ty chạy ra và đập mạnh chiếc điện thoại trên tay xuống sàn nhà. Các thiết bị của máy văng ra mỗi nơi một bộ phận. Người nhân viên đó từ từ nhặt nhạnh và ghép các bộ phận lại với nhau. Thật tuyệt vời, chiếc điện thoại vẫn chạy tốt. Vâng, đó là một trong những tính năng độc đáo của chiếc điện thoại của hang chúng tôi, người thuyết trình từ trong cánh gà từ từ bước ra tuyên bố. Thật sự khách hàng khi đó rất sốc trước tình huống đó, tất cả bị cuốn vào bài thuyết trình của công ty.
Mở đầu bài thuyết trình bằng một tình huống gây sốc cũng là một cách thức bạn có thể sử dụng trong những bài nói của mình. Những tình huống gây sốc sẽ khiến người nghe bất ngờ và bị thu hút vào bài nói của bạn, tuy nhiên bạn cũng cần chú ý không nên gây ra những tình huống quá sốc và phản cảm cho người nghe.

·         Những con số thống kê

“Trăm nghe không bằng một thấy”, “Nói có sách, mách có chứng” là những câu ngạn ngữ được ông cha ta đúc kết từ ngàn đời nay. Để thuyết phục người nghe không cách nào hơn là bạn hãy đưa ra cho họ những con số thống kê cụ thể.
Ví dụ để thuyết phục người nghe lựa chọn hình thức học tập E-Learning, bạn hãy mở đầu bài thuyết trình của mình bằng các con số nghiên cứu: giảm 70% chi phí đào tạo, tiết kiệm 60% thời gian học tập, tăng năng xuất làm việc cho bạn 25%.

·          Một câu chuyện hay một tình huống hài hước

Có một biểu hiện tâm lý mà bạn cần biết, dù là người lớn nhưng ai cũng thích nghe kể chuyện hay được xem một tình huống hài hước. Hãy để người nghe thỏa mãn mong muốn của họ. Nếu đó là một buổi thuyết trình kinh doanh hãy kể câu chuyện về một khách hàng đã sử dụng sản phẩm của bạn và họ cảm nhận tốt như thế nào.
Để thu hút người nghe, nhiều người thuyết trình chuyên nghiệp còn sử dụng biện pháp diễn hài, kể các câu chuyện cười thậm chí lấy mình ra làm tình huống hài hước. Một lời khuyên cho bạn, nếu bạn không có năng khiếu gây cười cho người khác hãy tránh xa cách thức này.

·         Chiếm lấy trái tim người nghe

Larry King, một trong những chuyên gia thuyết trình nổi tiếng của đài CNN thường sử dụng phương pháp này. Trong nhiều cuộc thuyết trình, thay vì một tắc phong trang trọng ông lại bắt đầu bằng cách nói nên cảm nhận của mình khi đến với chương trình này. Những sự chia sẻ chân tình của ông thường kéo người nghe lại gần, đồng cảm và kết thúc là những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Những cảm xúc chân thành của bạn, những tâm sự của bạn về một sự kiện là một đòn bẩy tâm lý giúp bạn chiếm trọn trái tim người nghe. Nhưng bạn hãy nhớ, đó phải là những cảm xúc thật, đừng giả bộ hay đóng kịch để đánh lừa người nghe như vậy sẽ phản tác dụng.

·         Tạo ấn tượng qua giọng nói và tác phong chuyên nghiệp của bạn

Một giọng nói truyền cảm, ấm áp, giầu sinh khí và một tác phong chuyên nghiệp cũng là một lợi thế tuyệt vời nếu bạn mong muốn trở thành một nhà thuyết trình chuyên nghiệp. Bạn đã bao giờ quan sát Obama, Steven Job thuyết trình chưa? Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt trong cách mở đâu bài nói của họ. Tất nhiên, giọng nói là do thiên phú nhưng bạn vẫn có thể luyện rèn bên cạnh hàng ngày hoàn thiện tác phong chuyên nghiệp của mình.

·          Những câu hỏi bất ngờ

Người nghe luôn mang trong mình tâm lý của một đứa trẻ bởi tính tò mò. Việc bạn mở đầu bài nói của mình bởi một câu hỏi sẽ có tác dụng kích thích tư duy và trí tưởng tượng của họ. Thực tế các nhà thuyết trình chuyên nghiệp rất hay sử dụng phương pháp này trong bài thuyết trình của họ.
Những câu hỏi bạn đưa ra không nhất thiết phải là những câu hỏi đánh đố mà nên đơn giản, hài hước và hướng vào chủ đề mà bạn muốn dẫn dắt người nghe. Ví dụ như chỉ là những câu hỏi đơn giản: Hôm nay quý vị cảm thấy thời tiết như thế nào?, Trên thị trường có các sản phẩm nào tích hợp tính năng 3 trong 1, quý vị có biết không ạ?...
Thông thường khi bắt đầu vào bất cứ một buổi thuyết trình nào dù đơn giản hay trang trọng, người nghe vẫn chưa thực sự chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho bài nói của bạn. Một mở đầu bài thuyết trình ấn tượng của bạn sẽ giúp người nghe gạt bỏ mọi yếu tố gây nhiễu bên ngoài và cuốn vào bài nói của người thuyết trình. Một khởi đầu thành công là bạn đã chiến thắng một nửa trong bài thuyết trình của mình.

Nếu bạn muốn rèn luyện thêm nhiều chi tiết khác, hãy tham dự khóa học Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp của S-WAY VIỆT NAM để được huấn luyện và hỗ trợ bởi các chuyên gia, diễn giả hàng đầu.

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Thuyết Trình Hiệu Quả - Lặp Lại Mà Không Nhàm Chán.




Mỗi bài trình bày đều có một thông điệp chính cần truyền tải, và cách để não chúng ta thu nhận và ghi nhớ được thông tin là lặp đi lặp lại điều đó đủ số lần cần thiết. Tuy nhiên, một thông điệp nguyên câu nguyên chữ được lặp lại nhiều lần sẽ gây ra nhàm chán. “Yes we can – Chúng ta có thể thay đổi!”, “Làm việc vì lòng tự hào bản thân!”, “Khách hàng là thượng đế!”…, bạn thấy sao khi cứ phải nghe hoài nghe mãi những điệp khúc này?

Với những người trình bày giỏi, họ có thể nhấn đi nhấn lại một thông điệp duy nhất trong suốt bài trình bày của mình nhưng không hề làm cho người nghe phát ngán. Chính vì họ khéo léo truyền tải thông điệp ấy dưới nhiều hình thức khác nhau: những ví dụ sinh động, một câu chuyện cuốn hút, một dẫn chứng lịch sử đầy thuyết phục, những hình ảnh cụ thể, một ẩn dụ tinh tế, hay một phép so sánh đầy bất ngờ và lý thú…
Để nhắc đi nhắc lại thông điệp: Chúng ta có thể thay đổi!, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dẫn ra nhiều câu chuyện lịch sử của nước Mỹ để làm bằng chứng và khẳng định việc nước Mỹ có thể thay đổi như thế nào: từ việc đưa người lên mặt trăng, cho đến bước ngoặt bình đẳng mà nước Mỹ đa tạo ra cho phụ nữ, hay những lần khôi phục kinh tế ra sao, thậm chí ông dùng chính câu chuyện của mình – một người da đen có thể làm tổng thống Mỹ…
Ông dẫn dắt người nghe cùng ông quay lại lịch sử nước Mỹ qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau để khẳng định duy nhất một thông điệp: “Yes we can! – Chúng ta có thể thay đổi!”. Và mỗi một lần thông điệp này thốt lên là mỗi một lần điều này được khắc sâu hơn vào con tim của từng người dân Mỹ.

" Lặp đi lặp lại một thông điệp dưới nhiều hình thức minh họa đầy sáng tạo là cách chinh phục người nghe. "


Nếu bạn muốn rèn luyện thêm nhiều chi tiết khác, hãy tham dự khóa học Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp của S-WAY VIỆT NAM để được huấn luyện và hỗ trợ bởi các chuyên gia, diễn giả hàng đầu.

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

SOẠN BÀI THUYẾT TRÌNH - BẢN NHÁP ĐẦU TIÊN



Tuy là “dân nói”, nhưng có lúc bạn phải viết, nhất là khi phải soạn ra giấy bài thuyết trình của mình. Và đương nhiên lúc này bạn sẽ gặp những chướng ngại của dân viết lách.

Làm sao viết bản nháp đầu tiên cho bài thuyết trình?
Trước tiên, phải thấy hai nguyên do gây cản trở mà dân viết thường gặp nhất, trong bối cảnh viết soạn bài thuyết trình:

  •           Thiếu định hướng: bạn thiếu rõ ràng về điều bạn muốn nói.
  •          Thừa cái Tôi: bạn nghĩ rằng bản viết đầu tiên phải là một bản viết hoàn hảo, không    có gì sai sót.
  • Nguyên nhân đầu – thiếu định hướng – thì dễ giải quyết nếu bạn làm theo các gợi ý hướng dẫn trong loạt bài viết này. Các bài viết trước đã bàn về cách chọn đề tài và thông điệp cốt lõi qua việc phân tích người nghe, cũng như về cách lập dàn ý. Có thông điệp cốt lõi làm đích nhắm, có dàn ý làm bản vẽ, thì việc viết bản nháp đầu tiên không có gì là khó bởi vì bạn đã có rõ định hướng, biết phải nhắm đến đâu rồi.
  • Nguyên nhân sau – thừa cái Tôi – rất dễ thấy: viết xong một câu là bạn ngồi chỉnh sửa ngay, hy vọng đến lúc viết xong thì bạn sẽ có một văn bản hoàn chỉnh, không cần phải coi lại thêm. Điều này sẽ làm bạn rất mất thì giờ và khó lòng nào hoàn thành được bản nháp của mình.
Bạn phải biết rằng đây chỉ là bản nháp đầu tiên – nên nó không cần phải hoàn hảo. Có lẽ bạn sẽ thấy ghét một số chi tiết mình viết ra. Nhưng tôi khuyên bạn nên đ dành cái ghét đó cho đến lúc biên tập lại. Mục tiêu của bạn trong công đoạn này là phác thảo các quan điểm và lý lẽ chính yếu, chưa phải lúc trau chuốt cầu kỳ.

Mẹo viết bản nháp đầu tiên
Với cá nhân tôi, công đoạn này thường là phần “đau đớn” nhất trong bước đường chuẩn bị bài thuyết trình. Nhưng qua kinh nghiệm, tôi có vài mẹo sau đây giúp bạn giải quyết được cái khổ sở ấy:
  • Đặt ra một thời hạn: Nếu bạn đã nắm thông điệp cốt lõi và có một dàn ý, thì không có lý do gì bạn không thể cho ra một bản nháp, dù là thô thiển đến mấy, trong một khoảng thời gian không lâu. Thời hạn là một yếu tố động viên thần kỳ.
  • Viết ra dưới hình thức các gạch đầu dòng: Viết thành câu những gì cần diễn đạt, nếu bạn có thể làm ngay. Nhưng lúc này, chuyện viết câu chưa quan trọng; bạn chỉ cần gạch đầu dòng các từ khóa hay cụm từ chính thôi.
  • Không cần phải theo trình tự: Thường thì nhiều người ngồi vô viết không ra phần mở đầu thì bắt đầu nản và muốn bỏ cuộc. Nếu gặp trường hợp đó, bạn cứ tạm bỏ qua phần mở hay những chỗ chưa tìm ra ý. Cứ gạch đầu dòng những ý nảy ra trong đầu, chưa cần phải theo trình tự từ trên xuống dưới.
  • Đừng lo lắng về độ lưu loát và các chỗ chuyển ý: Nếu bản nháp đầu tiên không trôi chảy từ đầu đến cuối, bạn cũng đừng lo lắng. Chuyện này có thể sửa lại sau. Thường thì trong bản nháp đầu tiên của mình, tôi thường để lại các ghi chú chữ đỏ chẳng hạn như “Chỗ này cần câu chuyển ý để qua ý sau”
  • Đừng lo lắng về câu chữ: Chỉ cần gạch đầu dòng các ý tưởng thôi, dùng bất cứ chữ gì xuất hiện đầu tiên trong đầu bạn. Bạn có thể chọn thay từ ngữ, câu cú vào lúc biên tập lại.
  • Đừng lo lắng về độ dài: Chẳng có chuyện gì phải lo nếu như bản nháp đầu tiên của bạn trông dài thườn thượt. (Mà nếu lỡ nó có quá ngắn thì cũng không sao cả, mặc dù ít ai rơi vào trường hợp này). Đây là vấn đề ta sẽ giải quyết ở khâu biên tập.


Nếu bạn muốn rèn luyện thêm nhiều chi tiết khác, hãy tham dự khóa học Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp của S-WAY VIỆT NAM để được huấn luyện và hỗ trợ bởi các chuyên gia, diễn giả hàng đầu.

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

BẮT TAY.



Chào các bạn !

Trong giao tiếp hàng ngày thì đương nhiên bắt tay là một trong những cách giao tiếp thông thường nhất. Và bắt tay thường là với người mình không thân nhiều, chỉ mới gặp nhau lần đầu, hoặc thỉnh thoảng gặp một lần trong môi trường công việc… Bạn bè thân thì ít bắt tay, gặp nhau thì hay bá vai bá cổ. Chính vì vậy mà bắt tay là một trong những cách communication quan trọng, vì nó là cách mình nói với người lạ hay người chưa quen.
Người ta thường nói đến cách bắt tay chuẩn nhất là bắt bàn tay người kia một cách chắc chắn, giữ hai bàn tay của hai người là hai mặt phẳng thẳng đứng song song, và đưa lên đưa xuống nhè nhẹ 4 hay năm lần.
Người thì thẳng đứng, nhìn thẳng vào mắt người kia, mỉm cười.
Đó là chuẩn. Nếu các bạn chưa chắc ăn để làm cách nào khác, thì dựa vào cách chuẩn này.
Đương nhiên cách này có nguồn rất sâu trong văn hóa tây phương. Bắt tay là cách các chiến binh cư xử hòa bình với nhau. Ngày xưa các chiến binh thường cầm khiên tay trái và cầm kiếm tay phải. Bắt tay phải có nghĩa là kiếm đã được chuyển sang tay trái trong vị thế ngơi nghỉ, không đánh nhau. Người đứng thẳng vì đó là cách đứng hòa bình, không phải khom khom sửa soạn tấn công, nhưng đứng thẳng người cũng là cách đứng phòng thủ có thể chuyển động rất nhanh nếu bị tấn công bất ngờ. Mắt nhìn thẳng vào mắt người kia để tỏ thân thiện, nhưng cũng để ý chuyển động nếu thấy được ý đồ tấn công của đối phương. Nói chung, đó là cách bắt tay của con nhà võ (mà ngày nay ta vẫn thường thấy trên võ đài, dù trên võ đài thiên hạ thường bắt tay nhanh hơn, chạm tay là thả ra ngay).
Chuẩn bắt tay là thế, và sai chuẩn thì thường là sai, như:
1. Tìm mồi: Bắt tay mình mà mắt thì láo liên tìm người khác.
2. Hững hờ: Cái bắt không chặt, chẳng chuyển tải được gì ngoài hờ hững.
3. Duyệt binh: Bắt tay mà chẳng nói một câu, kiểu chính khách duyệt binh.
4. Cá chết: Bắt tay mà bàn tay xìu và không nhúc nhích, như cá chết.
5. Bệnh nhân: Bắt tay mà dáng đứng lòm khòm như đang bệnh sốt rét ngã nước, nhất là lại đi đôi với cá chết.
6. Đại lực sĩ: Bắt tay và xiết tay người ta như chứng tỏ thần lực bóp đá thành bột.
7. Thống trị: Bắt tay rồi nắm chặt tay người kia, rồi vặn tay để tay mình nằm dưới đưa bàn tay người kia nằm trên, nhất là lại đẩy tay người kia vào gần bụng người ta, như võ sĩ nhu thuật sắp ra đòn.
8. Giữ trộm: Bắt tay người ta rồi không chịu thả ra (nhất là các bàn tay êm ái của các cô )
Đó là các cách bắt tay lạc chuẩn rõ ràng. Nhưng còn ba cách bắt sau đây thì nhiều người cho là lạc chuẩn, nhưng mình thì cho là ba cách này thường được các master sử dụng:
1. Bắt đôi: tức là tay phải bắt tay người kia chắc chắn, và tay trái nắm cổ tay, hay bắp tay dưới, hay bắp tay trên, hay bả vai. Đây là cách bắt tay rất tốt, rất thân thiện, và rất gần gũi. Nhưng với người lạ thì thỉnh thoảng có người khó chịu vì quá thân thiện (trừ khi mình là người nổi tiếng ai cũng biết, thì làm thế thì ai cũng thích).
2. Tình nhân: Tay phải bắt tay, và tay trái úp lên cả hai bàn tay của hai người.
Cách này thường bị chê là tình nhân. Nhưng các master có thể làm rất tốt như: tổng thống diễn tả tình cảm với một góa phụ nghèo, hoặc sếp với nhân viên, hoặc khách hàng thân thiết… Đây là cách diễn tả yêu mến, kính phục rất hay.
Và nếu là người Á châu (như người Việt) thì có thể dùng trong rất nhiều cơ hội trên thương trường và chính trường quốc tế như là một cái bắt tay rất thân thiện, nhất là khi trong lòng mình rất thân thiện và tĩnh lặng.
Đây là cách bắt tay cho các master. Nhưng nếu chưa là master thì có thể thành rất vụng về.
3. Kính cẩn: Bắt bằng hai tay, người hơi cúi xuống một chút. Đây là cách bắt tay của những người đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh Hùng chẳng hạn. Những người có mức độ tâm linh rất cao thường bắt tay cách này. Gandhi chẳng hạn. Khi ta đã tiến tới mức độ khiêm tốn cùng cực rồi, thì tự nhiên ta thường dùng cách bắt tay này.
Nhưng người chưa đến mức có lẽ sẽ không muốn làm và không dám làm, nhất là trong môi trường kinh doanh thương mãi.
Trên đây là các kỹ thuật. Nhưng điều chính ta cần nhớ là: bắt tay làm một cách “nói chuyện” (truyền thông, communication) với nhau. Trái tim mình phải muốn nói điều gì thì cái tay mới đi theo điều đó được. Cho nên giữ trái tim yêu thương và tĩnh lặng, thì tự nhiên cái bắt tay của bạn sẽ nói được điều trái tim muốn nói.
Rõ ràng, bắt tay là cả một nghệ thuật, mà nếu quan sát, nghiền ngẫm, chúng ta sẽ có nhiều trải nghiệm và bài học thú vị.

Nếu bạn muốn rèn luyện thêm nhiều chi tiết khác, hãy tham dự khóa học các khóa học về Giao tiếp – thuyết trình chuyên nghiệp của S-WAY VIỆT NAM để được huấn luyện và hỗ trợ bởi các chuyên gia, diễn giả hàng đầu.

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

CẢM XÚC CỦA BẠN


Thuyết trình hiệu quả: Đừng giấu cảm xúc!

Khi bạn đeo mặt nạ cho các cảm xúc của mình, bạn sẽ làm đứt lìa sợi dây kết nối bạn với khán giả. Điều này cũng chẳng khác nào chuyện bạn ngồi đó đọc một bài diễn văn chán ngắt đăng trên một tờ báo lá cải.
Ngược lại, mối dây liên kết giữa bạn với khán giả trở nên mạnh mẽ nhất khi bạn chuyển tải được cảm xúc của mình đến họ.
Khi thuyết trình, bạn có chia sẻ được cảm xúc của mình ra không? Hay bạn thường nói như thể đang có một bức màn treo chắn giữa bạn với người nghe của mình?

Có cảm xúc về điều gì, cứ thể hiện nó ra

Đây là một ý tưởng vô cùng đơn giản – nếu đang có cảm xúc, bạn cứ việc thể hiện nó ra.
  • Nếu khoái chí về đề tài mình nói, cứ cho người nghe thấy niềm khoái chí đó.
  • Nếu đang buồn, cứ thể hiện ra.
  • Nếu đang phấn khích, cứ cho người ta thấy thái độ phấn khích của mình.
  • Nếu thấy tự tin, cứ thể hiện ra.
  • Nếu đang cảm thấy…, cứ thể hiện…ra.
Như rất thường thấy, các diễn giả có xu hướng muốn tỏ ra “đàng hoàng, nghiêm túc”, không muốn buổi nói trở thành buổi hát cải lương. Tuy nhiên, việc cố giấu nhẹm đi những cảm xúc đang có trong lòng mình, họ đánh mất đi tính cách đích thực của mình và mất luôn khán thính giả.

Sự tín nhiệm = Thể hiện cảm xúc thích hợp

Thái độ chân thành khi thể hiện bài điếu văn trở nên đáng tin khi người nói hay đọc thể hiện các dấu hiệu diễn tả niềm đau buồn thương tiếc, chẳng hạn như cung giọng không đều, mắt ứa lệ, điệu bộ biểu hiện một niềm tiếc thương sâu xa.
Cũng thế, sự đáng tín nhiệm của một chính trị gia sẽ phụ thuộc vào việc người này có chuyển tải được thái độ xác tín, lòng tự tin và quyết tâm trước khán thính giả của mình hay không. Nếu người này mở miệng nói rằng, “Tôi tin vào điều này!” nhưng cảm xúc người đó thể hiện ra lại có vẻ như nói rằng, “Đứng nói ở đây chán thật!” thì bạn nghĩ người nghe có tin nổi hay không? Cảm xúc chuyên chở lời nói, làm cho lời nói nên ý nghĩa. Nếu cảm xúc thể hiện ra không phù hợp với thông điệp, người nghe không đời nào tin vào thông điệp.

Biến lo lắng thành năng lượng tiếp sức cho cảm xúc

Có một diễn giả chuyên nghiệp nọ đã khuyến khích chúng ta không nên kìm nén lại hay tìm cách loại bỏ đi cảm giác bồn chồn lo lắng của mình. Thay vào đó, hãy chuyển hóa nó, tận dụng nó làm nguồn năng lượng để đổ vào các cảm xúc của bạn khi nói. Đại ý, diễn giả này nói như sau: Các diễn giả thành công có cách truyền đạt cho thấy niềm tin sâu xa họ đặt nơi thông điệp của mình. Họ truyền đạt thông điệp với cảm xúc. Đừng kìm nén các cảm xúc của bạn. Hãy tận dụng nó, biến nó thành năng lượng để chinh phục người nghe.
Nếu bạn muốn bài thuyết trình của mình nhiều cảm hứng, nhiều năng lượng hơn, hãy tham dự khóa học Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp của S-WAY VIỆT NAM để được huấn luyện và hỗ trợ bởi các chuyên gia, diễn giả hàng đầu.
Khai giảng hàng tuần
Lịch học: Chiều và tối thứ 2,4,6
Học phí: 600,000 VNĐ
Giảm giá đặc biệt chỉ với 400,000VNĐ/khóa
Cam kết hoàn trả 100% học phí nếu sau khóa học bạn cảm thấy không hiệu quả.
Liên hệ: Ms Mai Anh : 04 3568 3950 - 0975 347 875